Tại sao Việt Nam thả blogger  “Mẹ Nấm”?

Tờ The Guardian của Anh hôm qua đưa tin rằng Việt Nam đã thả một blogger Mẹ Nấm sau 2 năm bắt ngồi tù với điều kiện bà này rời đến Mỹ. 

Bài báo viết: “Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến với tên “Mẹ Nấm” đã bị bắt giữ tháng 10/2016 và bị tuyên án 10 năm tù về tội phỉ báng chính quyền. 



Một số bạn bè của blogger này cho biết bà đang trên đường đến Mỹ cùng với mẹ và hai con. 

Hồi tháng 6, nhà chức trách Việt Nam đã thả Nguyễn Văn Đài và trục xuất Đài cùng với người khác đến Đức. 

Các tin tức về việc thả “Mẹ Nấm” xuất hiện một thời gian ngắn sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis có chuyến thăm Việt Nam. Hiện chưa rõ việc thả tù này có liên hệ gì với chuyến thăm của Mattis hay không. 

Trong khi đó, một phiên tòa ở tỉnh Bình Dương đã tuyên án 7 năm tù một người vì tội in ấn 3300 tờ truyền đơn kêu gọi công nhân biểu tình phản đối dự luật đặc khu kinh tế”. 

Có lẽ sự kiện này sẽ là một cơ hội tốt để các phe phái chống cộng “tự sướng” rằng “cộng sản Việt Nam phải thả Mẹ Nấm vì áp lực từ Mỹ và các tổ chức nhân quyền”. Cũng có thể có những người dân sẽ cảm thấy thất vọng khi nghe tin này vì cho rằng “Tại sao nhà nước lại phải thả Mẹ Nấm?” hoặc là “Phải chăng việc thả Mẹ Nấm thể hiện sự nhượng bộ của Việt Nam?”. Tuy nhiên, ở một góc độ khác thì thấy rằng việc thả “Mẹ Nấm” cũng giống như việc thả một số người khác trước đây thể hiện tư tưởng khoan hồng của Việt Nam và đồng thời cũng là một biện pháp cao tay để giữ gìn an ninh quốc gia. 

Như chúng ta đã thấy, tất cả những người ở trong nước tự xưng là “nhà dân chủ”, “nhà hoạt động nhân quyền” và nổi tiếng nhờ cái mác đó đều trở nên xẹp lép như con gián sau khi bị bắt, bị xử tù và rồi sau đó “được” cho sang Mỹ hoặc nước ngoài. Có thể kể ra đây những trường hợp để làm ví dụ như: Việt Khang, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Trần Khải Thanh Thủy... Điển hình như ông blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Sau khi sang Mỹ, bây giờ chả ai còn quan tâm gì đến ông ta và những hoạt động của ông ta. 

Cái lý do của sự “chìm xuồng” đó rất đơn giản. Khi anh còn đứng trên mảnh đất Việt Nam này, anh đứng lên chống đối nhà nước thì anh sẽ được các thế lực bên ngoài tung hô anh để lợi dụng anh nhằm quảng cáo rẻ tiền cho tổ chức của họ. Khi anh bị nhà nước Việt Nam xét xử và cho ngồi tù, các tổ chức ở hải ngoại sẽ tiếp tục “đấu tranh” để hỗ trợ anh vẫn chỉ với mục đích là để quảng cáo cho bản thân họ. Nhưng khi anh đã được thả và “được” cho ra nước ngoài thì sinh mạng chính trị của anh coi như đã chết, anh trở thành vật vô giá trị đối với các tổ chức đó. Thậm chí có thể người ta còn lo sợ rằng anh ra nước ngoài rồi sẽ cạnh tranh với họ trong công việc “chống cộng kiếm cơm”. 

Bao nhiêu ánh hào quang mà các tổ chức chống cộng khoác lên anh, ca tụng anh sẽ trở thành mây khói ngay sau giây phút anh rời khỏi tổ quốc để bước chân đến một đất nước xa xôi. Cổ nhân nói “xảy nhà ra thất nghiệp” thật sự là không ngoa. Bao nhiêu ảo tưởng về bản thân sẽ nhanh chóng tan biến sau khi anh bước chân xuống đất người và chẳng bao lâu sau thì những hào quang sẽ hết sạch để đưa các anh quay về với hiện thực phũ phàng là những nỗi nhục nhã khi đối mặt vấn đề cơm áo gạo tiền nơi xứ người. 

Xin chốt lại một câu: Nhà nước Việt Nam đang hành xử rất linh hoạt và thực dụng theo cái cách mà cư dân mạng hay nói. Đó là “ai thích dân chủ kiểu Mỹ kiểu Tây mời sang Mỹ sang Tây mà ở”. Cho đi Mỹ đi Tây thực chất là một biện pháp cực kỳ cao tay để làm cho những “nhà đấu tranh” đang từ trạng thái rất nguy hiểm với bình yên của đất nước trở nên xẹp lép như con gián và vô hại.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này