ĐỊNH KIẾN ĐÔ THỊ VÀ SỮA HỌC ĐƯỜNG

Có một quan điểm về đặc thù các xã hội Đông Nam Á, do ảnh hưởng từ quá khứ thuộc địa và nền kinh tế đồn điền, các quốc gia này có xu hướng thiên vị cho các vùng đô thị và bỏ rơi nông thôn. Điều này tạo ra khoảng cách quá xa về sự phát triển giữa các vùng, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội.

Những nguồn lực dồi dào nhất, được tập trung cho đô thị, động lực tăng trưởng lấy từ đô thị, ý kiến của thị dân mặc định được coi là ý chí của cả dân tộc. Người dân nông thôn vốn chiếm tuyệt đại đa số, không chỉ bị bần cùng hoá, mà còn chịu sự thiệt thòi trong việc phân phối thành quả phát triển.
Nếu một chính sách được xây dựng dựa trên sự giả định sai lầm, rằng đô thị là trung tâm của tất cả mọi vấn đề, thì những chính sách đó sẽ là trung tâm phát sinh các vấn đề. Không có sự hài hoà các lợi ích, cái giá phải trả trong tương lai sẽ là rất lớn.
Trước khi Samsung vào Việt Nam, thì những mặt hàng tỉ đô chủ lực xuất khẩu ngoại trừ dầu khí đều là nông sản, nhưng thực tế tái đầu tư cho nông thôn rất ít. Chênh lệch giữa khu vực nông thôn và thành phố cách nhau quá xa, gần như hai thế giới không thể hoà đồng.
Trẻ em nông thôn không có cơ hội tiếp cận các dịch vụ công hiện đại, chúng chưa bao giờ biết sẽ có đường sắt Metro ở Cát Linh, hay thậm chí dùng tới nhà vệ sinh công cộng. Hàng triệu thanh thiếu niên nông thôn, vốn có thể trở thành lao động trình độ cao, hay người tiêu dùng trung lưu, không có cơ hội để phát triển bản thân.
Khá lâu về trước, từng một điều tra về chênh lệch chiều cao giữa thiếu niên thành thị và nông thôn, đã cho ra một mức chênh lệch đáng lo ngại là 4cm, và hiện vẫn đang tiếp tục giãn rộng.
4 cm cũng là mục tiêu của chiến lược dinh dưỡng quốc gia trong việc gia tăng chiều cao của người Việt tới năm 2030. Bằng việc bổ sung dinh dưỡng một cách khoa học và có đầu tư, chính phủ kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm thoát khỏi vị trí quốc gia lùn gần nhất thế giới, hiện xếp thứ 4 từ dưới lên.
Tuy nhiên mục tiêu này có thể bị lung lay, nếu một lần nữa, định kiến đô thị lại phá hỏng sự công bằng trong xây dựng chính sách.
Như thực tế trong thời gian gần đây, chương trình "sữa học đường", vốn được đánh giá là cực kỳ cần thiết để bổ sung dinh dưỡng và canxi cho trẻ từ thời kỳ mẫu giáo, để có thể phát triển chiều cao tối ưu, đang hứng chịu những sự phản đối gay gắt, mà nghịch lý là nó lại đến từ đô thị, cụ thể là tại thành phố Hà Nội.
Việc các phụ huynh lên tiếng nghi ngại về chất lượng sữa sau một vài vụ ngộ độc là cần thiết, tuy nhiên việc phản đối theo kiểu sổ toẹt một chính sách đúng đắn và cấp bách như cung cấp sữa cho trẻ em toàn quốc với giá rẻ lại là câu chuyện khác.
Khác với trẻ em thành phố, nơi sữa có thể được cung cấp thụ động từ đồ ăn vặt, bánh kẹo, trà sữa và sữa tươi được sử dụng hàng ngày tại nhà, cộng với nhiều nguồn canxi bổ sung từ thực phẩm, trẻ em nông thôn không có nguồn canxi nào đáng kể để phát triển trong giai đoạn dậy thì.
Với số lượng đông áp đảo, nếu nhóm này bị bỏ lại, thì dù trẻ em đô thị có vẫn giữ được nhịp tăng trưởng thể chất hiện tại, chiều cao trung bình của người Việt sẽ không thể được cải thiện.
Câu chuyện phản đối sữa học đường của một số phụ huynh thành thị, nên được nhìn nhận như một ví dụ của “định kiến đô thị” thông thường, chứ không thể coi là "dư luận" hay "quan điểm nhân dân" như nhiều người đang cố dẫn dắt.
Chẳng ai ngu ngốc đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối cho các vùng miền, nhưng sự công bằng tối thiểu về dinh dưỡng và thể chất, sức khoẻ, có lẽ là giới hạn đạo đức cuối cùng mà chúng ta không nên vượt qua.
                                                                                                 Sân Đình

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này