Kiểm soát chặt quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền


         (Chinhphu.vn)  - Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền là một trong 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 vừa được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 19/5/2018.
          Trong Nghị quyết này, Trung ương nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về công tác cán bộ, trong đó có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền.

Theo đó, Trung ương yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.
          Thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự; cung cấp, trao đổi thông tin và giải trình khi có yêu cầu. Xác minh, xử lý kịp thời, hiệu quả, hợp lý thông tin phản ảnh từ các tổ chức, cá nhân và phương tiện thông tin đại chúng.
          Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành; của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên. Coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm.
          Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có "vùng cấm".
          Mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Tăng cường cơ chế chất vấn, giải trình trong công tác cán bộ.
Quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy trình công tác cán bộ. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hoá không chạy chức, chạy quyền.
* Nghị quyết số 26-NQ/TW nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác cán bộ gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ; Một số nội dung cơ bản về công tác nhân sự  đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc./.
                                                                                        DLS

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này