Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: “Hoàng Sa là của Việt Nam, chúng ta nhất định đòi lại”
“Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, chúng ta nhất định phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi lại được, thì đời con cháu chúng ta phải tiếp tục đòi theo đúng luật pháp quốc tế”.
Việt Nam có cách của Việt Nam
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Khoa học-Công nghệ với nhà khoa học, nhiều đại biểu đã nêu lên các câu hỏi và ý kiến liên quan đến việc Việt Nam đang đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đến dự buổi Đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành thời gian giải đáp và làm rõ thêm nhiều vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Một sĩ quan quân đội-cán bộ giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật Quân đặt câu hỏi: Là một nhà khoa học hiện đang giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật Quân sự nhưng đồng thời cũng là một người lính, tôi rất lo lắng cho những đồng đội của mình đang ngày đêm đấu tranh với Trung Quốc để yêu cầu nước này rút giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Giới khoa học chúng tôi có thể làm gì để hỗ trợ những lực lượng chấp pháp của Việt Nam đang đấu tranh với phía Trung Quốc?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta chỉ có lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân, không có bộ đội. Chỉ có Trung Quốc là đem tàu quân sự sang. Việt Nam kiên trì hòa bình và đúng theo tinh thần hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Điều đầu tiên mà giới khoa học có thể làm, là làm sao nước phải mạnh. Đây là cả chiến lược, tất cả chúng ta đều phải cố gắng. Làm sao để trong điều kiện còn khó khăn như các nhà khoa học đã nói, những bất cập liên quan đến tiền lương, nhà ở, cơ chế… nhưng chúng ta không bi quan. “Nếu người ta đầu tư hơn 30 lần, và chúng ta phải đuổi kịp thì khẳng định rằng chúng ta không bao giờ kịp và chiến thắng được. Việt Nam có cách của Việt Nam” – Phó Thủ tướng nói. “Tôi mong các nhà khoa học cần chia sẻ thông tin, để làm sao cả thế giới, mọi người hiểu luật pháp và hiểu rằng “Việt Nam có chính nghĩa, có lẽ phải trong việc này”.
Thực lực về mặt khoa học của chúng ta như thế nào và với tình hình như vậy, Phó Thủ tướng có tin tưởng rằng chúng ta đủ khả năng để đương đầu, giải quyết hay không?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tiềm lực khoa học, kinh tế hay quốc phòng của Việt Nam, nếu như đo đếm số công trình, vũ khí, tiền bạc… thì vẫn còn yếu. Nhưng chúng ta có lòng yêu nước nồng nàn, vô song, chúng ta có chính nghĩa, hết sức anh dũng, và cũng không nên quên chúng ta còn có trí tuệ, nhờ đó mà chúng ta chiến thắng.
Sự kiện lần này không phải lần duy nhất, trong quá khứ và tương lai chúng ta đều phải đối phó. Chúng ta đã đứng vững và nhất định sẽ đứng vững, nhất định sẽ bảo vệ được độc lập, chủ quyền
Tôi là nhà khoa học chuyên ngành nghiên cứu tài nguyên sinh vật biển. Tôi đã làm 10 năm nay. Tôi bám biển đảo giống như đồng bào ngư dân của chúng ta. Hiện tại, trên lĩnh vực khoa học của mình, chúng tôi đang dùng ngòi bút của mình với những công bố quốc tế để chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi muốn hỏi, hiện chúng tôi đang làm đề án 47, tiếp tục nghiên cứu và đánh giá đa dạng sinh học cũng như tài nguyên sinh học tại vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và toàn bộ vùng biển Việt Nam. Nhưng hiện nay, khi Trung Quốc tiếp tục hung hăng như thế, các tàu cá bị tấn công và lực lượng tàu cảnh sát biển của chúng ta cũng đang bị nhũng nhiễu… thì liệu các nhà khoa học chúng tôi khi ra biển đảo để thu mẫu có được bảo vệ không? Chính phủ có chính sách gì? Ví dụ nếu Trung Quốc tiếp tục hung hăng, chúng ta có sử dụng biện pháp mạnh hơn để đối phó và bảo vệ cho các nhà khoa học cũng như bảo vệ cho ngư dân Việt Nam không?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, chúng ta nhất định phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi lại được, thì đời con cháu chúng ta phải tiếp tục đòi theo đúng luật pháp quốc tế. Tôi muốn nói thêm với bạn, biển của Việt Nam và theo đúng Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam có vùng lãnh hải, có vùng đặc quyền kinh tế của mình, có các ngư trường truyền thống. Ở đó không chỉ có các nhà khoa học, mà tất cả ngư dân của Việt Nam.
Chúng ta tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do, an toàn hàng hải không chỉ cho phương tiện của Việt Nam, mà còn cho phương tiện các nước. Nhưng với các phương tiện của người Việt Nam, dù là nhà khoa học hay không thì Việt Nam chúng ta bảo vệ tuyệt đối an toàn. Không có chuyện do dự cái đó. Bà con ngư dân không làm khoa học vẫn ngày đêm bám biển, bám ngư trường, mặc dù có chuyện này chuyện khác, bị quấy nhiễu, bị phá rối, thậm chí thiệt hại cả về tài sản, bà con vẫn bám. Bà con ngư dân bám được thì nhà khoa học chúng ta có bám được không ạ?
Vàng không sánh nổi “độc lập, tự do”
Trong tình hình hiện nay, chúng ta biết Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam. Câu hỏi của tôi có 2 ý: Thứ nhất, Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về cái được gọi là “16 chữ vàng” trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc? Thứ hai, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có nên xem xét thay đổi mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Trung Quốc không?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính sách đối ngoại của chúng ta rất rõ. Chúng ta luôn nhất quán chính sách đối ngoại, đa phương hóa, đa dạng hóa. Đối với nước bạn láng giềng Trung Quốc, phương châm quan hệ giữa hai nước đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước đưa ra phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng. Phía Việt Nam luôn luôn thực tâm, chân thành và nỗ lực hết sức để phấn đấu xây dựng mối quan hệ dựa trên phương châm 16 chữ vàng. Và chúng ta cũng mong rằng phía Trung Quốc cũng như vậy.
Nói đó là những chữ vàng, vì chắc có ý muốn so sánh là quý như vàng. Nhưng vàng chưa phải là quý nhất, kim cương còn quý hơn vàng. Nhưng rồi có thứ còn quý hơn cả kim cương nữa, các bạn biết là gì không? Bác Hồ đã dạy, 4 chữ thôi, “độc lập, tự do”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Chúng ta làm sao vừa xây dựng được mối quan hệ với tất cả các nước, đặc biệt là với nước bạn láng giềng Trung Quốc trên tinh thần 16 chữ vàng ấy, nhưng đồng thời giữ được thứ quý nhất, vô giá của dân tộc ta chúng ta. Chúng ta phải làm đồng thời hai việc ấy. Đấy mới là cần. Không chỉ với lòng yêu nước, không chỉ sẵn sàng hy sinh, đoàn kết mà như tôi đã nói với các bạn ban đầu, rất cần sự sáng suốt, tỉnh táo và trí tuệ.
Đại biểu Võ Xuân Vinh (Viện KHCN Đông Nam Á, Viện KHCN Việt Nam): Xin hỏi Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam là Việt Nam có ý định xây dựng mối quan hệ đồng minh với nước nào không và nếu có thì là quốc gia nào?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đường lối đối ngoại của chúng ta thì tôi đã nói rồi. Tại diễn đàn Shangri-La năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã có quan điểm công khai, không phải là mới mà là chúng ta hệ thống lại, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Chúng ta không có liên minh quân sự với ai, chúng ta không cho bất kì nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, chúng ta không liên minh với bất kì nước nào để chống lại nước thứ ba. Đấy là điều nhất quán.
Tôi cũng phải nhắc lại với các bạn một lần nữa là trong quá khứ hang ngàn năm dân tộc ta dù nhỏ hơn về kích cỡ, số tiền, số vũ khí, số quân… so với các thế lực xâm lăng Việt Nam. Nhưng chúng ta có chính nghĩa, chúng ta có bản lĩnh, chúng ta có trí tuệ, dân tộc chúng ta đoàn kết nhất trí một lòng nên chúng ta luôn chiến thắng.
Mang nhau ra tòa thì như “bát nước đổ xuống”
Xin Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam có chủ trương kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta có chính nghĩa vì chúng ta chỉ giữ gìn những gì của mình. Giải quyết tranh chấp có rất nhiều giải pháp, nhưng đều theo luật pháp quốc tế. Nhưng trước hết chúng ta phải dùng biện pháp hòa bình. Trước đây trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, nếu không thể dùng giải pháp hòa bình thì mới phải chiến đấu. Nhưng trước hết chúng ta phải bằng biện pháp hòa bình, kiên trì giải pháp hòa bình.
Trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và trước sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam cũng như nhiều sự cố khác, chúng ta kiên định dùng giải pháp hòa bình. Trong giải pháp hòa bình, chúng ta có nhiều giải pháp, nhưng trước hết bằng con đường ngoại giao, trao đổi với nhau. Hiện nay chúng ta vẫn thường xuyên trao đổi.
Có bạn nói kiện ra tòa cũng là giải pháp hòa bình, điều đó hoàn toàn đúng. Hai láng giềng với nhau, anh lớn hơn tôi, anh không phải với tôi, nhưng cần nói chuyện với nhau đã, rồi nhờ hàng xóm, mọi người cùng có ý kiến. Còn cùng cực không thể nói chuyện với nhau được mới mang nhau ra tòa. Hai nhà hàng xóm đã mang nhau ra tòa rồi thì “bát nước đổ xuống”, như người Việt ta nói sẽ rất khó lấy lại. Vì thế chúng ta kiên định, kiên trì, bằng con đường trao đổi ngoại giao để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Phải giữ cho được hình ảnh Việt Nam yêu hòa bình, chính nghĩa
Đại biểu Phạm Thế Truyền (Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): Trước tình hình phức tạp ở Biển Đông, đặc biệt là các hành động gây hấn của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam, các cuộc biểu tình ở trong nước, tôi xin hỏi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là quốc gia có đang lâm nguy không và điều lo lắng nhất của Phó Thủ tướng hiện nay là gì?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hôm nay là giao lưu về lĩnh vực khoa học công nghệ mà các bạn hỏi rất nhiều về Biển Đông, chứng tỏ lòng yêu nước của nhân dân ta nói chung và của giới khoa học nói riêng là một tài sản vô giá, là căn cốt của dân tộc ta, đã được trao truyền qua nhiều thế hệ trong lịch sử và sẽ được tiếp nối. Nhưng thể hiện lòng yêu nước dưới hình thức nào, như thế nào? Thì như tôi đã nói lúc đầu, chúng ta phải sáng suốt, trí tuệ khi thể hiện hình thức, thời điểm sao cho có lợi nhất.
Sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là trái pháp luật quốc tế. Nhân dân biểu thị lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng có chỉ đạo cụ thể, trên tinh thần phải giữ vững chủ quyền quốc gia và giữ được môi trường hòa bình. Đương nhiên không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy hòa bình, nhưng phải kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, tỉnh táo, trí tuệ.
Những ngày qua, một số nơi đã thể hiện lòng yêu nước bột phát, một số người bị kích động, một số kẻ kích động vi phạm pháp luật. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo xử lý nghiêm những kẻ vi phạm pháp luật, tuyên truyền để người dân không bị kích động, không bị lôi kéo bởi kẻ xấu. Yêu nước nhưng phải giữ được trật tự an toàn xã hội và đặc biệt phải giữ được hình ảnh yêu hòa bình, chính nghĩa của người Việt Nam, không làm cho môi trường đầu tư xấu đi, thậm chí còn phải làm cho tốt hơn. Đất nước giàu mạnh mới có điều kiện để bảo vệ chủ quyền tốt hơn. Nên biểu thị lòng yêu nước theo hướng dẫn của các cơ quan, tổ chức có chức năng, của các cấp chính quyền, biểu thị lòng yêu nước có lợi nhất cho đất nước, không mắc mưu kẻ xấu, làm phương hại đến đất nước và đến chính công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Giàu thì chưa chắc đã hạnh phúc, nhưng nghèo thì chắc chắn khó hạnh phúc. Chúng ta bảo vệ chủ quyền, nghèo cũng phải làm và cũng có thể làm, nhưng giàu thì sẽ làm tốt hơn. Tất cả mọi người Việt Nam phải có trách nhiệm với cha ông, với mai sau, muôn người như một, làm thật tốt việc của mình, vượt qua chính mình. Điều đó lúc nào chúng ta cũng phải nghĩ tới. Muôn người như một, lúc khó khăn càng phải đoàn kết. Nếu chúng ta không vượt lên thì không được. Tôi rất thích một câu hát của Đoàn Thanh niên: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Nguồn: Tác chiến mạng
Nhận xét
Đăng nhận xét