Linh mục Dương Sĩ Nho kêu gọi tháo cờ Tổ quốc, bỏ Đảng giáo dân phản ứng ra sao?

Nhiều giáo dân giáo xứ Hà Lời, xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình thể hiện thái độ phản ứng, bất bình trước việc linh mục Dương Sỹ Nho, quản xứ kêu gọi tháo cờ Tổ quốc, từ bỏ Đảng
Kẻ mang thiên mệnh của Chúa nhưng làm trái ý Chúa
Khi linh mục Nguyễn Văn Hảo được điều chuyển, tưởng rằng giáo dân tại giáo xứ Hà Lời sẽ có một đức cha theo đúng nghĩa, người phụng sự Chúa để chăm lo đời sống tinh thần, loan báo lời Chúa và gieo nên những niềm tin, sự thương yêu cho giáo dân trên mảnh đất nghèo giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.
Thế nhưng, trái với sự mong chờ đó, thêm một lần nữa giáo dân giáo xứ Hà Lời lại gặp “nghiệp chướng” từ những việc làm bất chấp đạo lý từ vị linh mục quản xứ Dương Sĩ Nho.
Những ngày đầu tiếp quản giáo xứ Hà Lời, linh mục Nho cùng Hội đồng mục vụ đã đến tận từng nhà giáo dân, vừa thăm hỏi đời sống cũng vừa thực hiện lễ cho giáo dân. Cử chỉ gần gũi, thân thiện này đã gây thiện cảm, cũng là niềm vinh dự đối với mỗi giáo dân khi được đón “đức cha” đến.
Nhưng chẳng ngờ, thay vì phải làm những điều đúng với chức phận của một cha xứ, vị linh mục này lại dò xét xem có ai theo Đảng để rồi có những lời lẽ không đúng với mục đích của người truyền đạo, đó là việc yêu cầu giáo dân nên bỏ Đảng.
Câu chuyện đầy bức xúc được một giáo dân tại thôn Na kể lại: Ngoài việc yêu cầu bản thân tôi bỏ Đảng, cha còn có lời lẽ xúi giục đến rẻ mạt, coi việc theo Đảng của giáo dân là không nghe lời của Chúa, trước sự chứng kiến của Hội đồng mục vụ giáo xứ.
Những tưởng sau sự việc giáo dân ở giáo họ Na phản ứng quyết liệt về việc vị linh mục Nho vận động giáo dân ra khỏi Đảng, linh mục này sẽ kiêng dè. Nhưng chỉ ít ngày sau (ngày 5-3-2018) cũng tại giáo họ Na, linh mục Dương Sĩ Nho lại tiếp tục có lời lẽ vận động giáo dân tháo cờ Tổ quốc, lấy lý do đây là ý Chúa. Khi sự vận động này chưa thuyết phục được giáo dân, linh mục Nho dùng giáo lý, thần quyền và mượn cái mác linh mục của mình để ép buộc giáo dân nghe theo.
Thấy sự “chỉ dạy” của linh mục quá vô lý, đại đa số giáo dân đã kịch liệt phản đối khiến linh mục Nho phải ra về sớm vì sợ mất mặt. “Không nghe theo thì cha sẽ nói ở nhà thờ, bởi vì cha cho rằng không nghe lời cha là không đoàn kết, không tuân theo lời Chúa. Cha không nghĩ rằng cờ Tổ quốc, biểu tượng linh thiêng của dân tộc, của đất nước và để có giây phút yên bình như hôm nay đã có biết bao xương máu của các thế hệ hy sinh để giành độc lập, tự do”, một giáo dân bất bình kể lại.
Cũng vào đầu tháng 3-2018, linh mục Nho đã trực tiếp đến từng nhà giáo dân tại giáo họ Xuân Tiến để đặt vấn đề và yêu cầu tháo cờ Tổ quốc, với lý do theo đạo rồi treo cờ Tổ quốc làm gì?. Ngoài ra, khi đến các gia đình đảng viên gốc giáo, linh mục Nho đã hỏi thẳng trực tiếp các trường hợp đảng viên là “khi nào ra khỏi Đảng?”, “vào Đảng có lợi lộc gì không?”…
Tuy nhiên, vị linh mục đã gặp phải thái độ cương quyết của giáo dân, mặc cho ông ta đã buông lời đe dọa là cấm đi lễ tại nhà thờ. Không thuyết phục được giáo dân, linh mục Nho dùng loa nhà thờ để phát đi những thông điệp của mình về sự bất hợp tác của giáo dân khi cha yêu cầu bỏ Đảng, tháo cờ Tổ quốc…với lời lẽ miệt thị, khiến giáo dân không khỏi bất ngờ và đầy bức xúc.
Ma hồn trận “lễ phí”, “trò phí”
Có nhiều câu chuyện khá nực cười được giáo dân truyền tai nhau những ngày gần đây, cùng những lời bình luận trên các trang mạng xã hội về những chuyện của linh mục Dương Sĩ Nho. Đó là việc nhận tiền của các tổ chức phản động, có những hoạt động chống đối chính quyền, kích động chống đối Đảng và Nhà nước, đánh đập giáo dân và có những hành vi vi phạm pháp luật khác khi trong thời gian làm quản xứ Tân Hội (xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).
Câu chuyện “phí” do linh mục Nho đề ra, là một trong những dẫn chứng cụ thể. Đối với lễ phúc (lễ đầu năm), là lễ mà trực tiếp linh mục đến tận từng nhà giáo dân hành lễ. Khi đến nhà giáo dân, linh mục thường gợi “khi tôi đến gia đình 2 tầng thì nhận được lì xì 1 triệu đồng, nhưng vào nhà 3 tầng thì lại nhận được chỉ có 500 ngàn đồng”, lời một giáo dân kể lại.
Với lời gợi ý này, giáo dân này buộc phải “ra lộc” từ 200-300 ngàn đồng cho linh mục Nho, lúc này vị linh mục mới vui vẻ ra mặt trước khi về. Hay như lễ bằng yên (lễ được bình yên trong gia đình) được linh mục Nho quy ước có giá từ 500.000đ trở lên. Và còn muôn kiểu “nhặt” tiền khác khiến giáo dân phải cắn răng chịu đựng, như lễ tất niên cuối năm, lễ đầu xuân, ngày bắt buộc, lễ thánh hóa việc làm… mỗi giáo dân đều phải góp tùy tâm, nhưng số tiền ít nhất là 50.000đ.
Nguồn thu của linh mục Nho tăng thêm khi ngay cả lễ linh hồn (lễ cầu xin cho người đã chết) cũng phải bắt buộc nộp cho linh mục trung bình là 500 ngàn đồng. “Đã thành nếp, chúng tôi không nộp thì không xong. Dẫu nghèo, đói cũng phải theo lệ chứ thực sự giáo dân chúng tôi làm gì có điều kiện”, lời một giáo dân tâm sự.
Nực cười hơn là việc linh mục cấm đoán giáo dân đóng khoản tiền 400.000đ/hộ để làm đường, xây dựng nông thôn mới. Nhưng chỉ ít ngày sau, cũng chính linh mục Nho lại hô hào giáo dân góp 1 triệu đồng/hộ để giáo xứ làm đường liên thôn. Hay câu chuyện quay số mở thưởng, mặc dù giáo dân chẳng hứng thú với dịch vụ giải trí bất hợp pháp này, nhưng linh mục Nho vẫn chỉ đạo ban giới trẻ in ấn, phát hành bán 2.000 vé số trái phép với giá bán 10.000đ/vé.
Rồi đến việc dựng cây lộc (mỗi lá lộc gồm câu đối, lời chúc mừng) để làm thú tiêu khiển nhằm thu tiền của giáo dân, với quy định mỗi lá lộc trị giá thấp nhất là 50.000đ… Lộc cho giáo dân chưa thấy đâu, nhưng nhờ dịch vụ này mà linh mục Nho thu được bộn tiền, lại được tiếng là quan tâm đến giáo dân.
Ma hồn trận “lễ phí”, “trò phí” được linh mục Nho giăng ra khiến giáo dân trong giáo xứ Hà Lời quá dỗi hoang mang. Chưa hết, linh mục Nho còn khoe khoang những công trạng đầy “bất hảo” của mình trong thời gian phụ trách giáo xứ Tân Hội (Hà Tĩnh) trước giáo dân, để chứng minh mình có “số, má” tại Giáp phận Vinh, nhờ vậy mà luôn được ưu ái, giao trọng trách.
Thực tế, những thành tích của linh mục Nho chỉ xoay quanh việc gây nên sự nghi ngờ, chia rẽ và mất đoàn kết trong giáo dân cũng như Ban hành giáo, với những chiêu bài quen thuộc mang màu sắc chống đối chính trị, có sự liên kết với số đối tượng chính trị, cơ hội và phần tử phản động trong, ngoài nước… Thậm chí, với sự tự do thái quá thích gì làm nấy của mình nên vị linh mục tự cho rằng, đối với người đứng đầu giáo xứ thì chẳng cần đăng ký lưu trú tại địa phương theo quy định.
Những việc làm của linh mục Dương Sĩ Nho đang làm xấu đi hình ảnh các vị linh mục, ảnh hưởng đến Thiên chúa giáo.
                                                                                                   CÔNG DÂN ĐIỆN TỬ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này