NGƯỜI ANH CẢ LIÊN XÔ TRONG CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI NĂM 1979.

@ ĐLS

Có người đã hỏi tôi rằng "Liên Xô là đồng minh của Việt Nam lúc đó, có hiệp ước quân sự với Việt Nam, tại sao lại không hỗ trợ Việt Nam khi bị Trung Quốc xâm lược?" và tỏ ý chê Liên Xô là đồng minh không chân thành, bỏ rơi bạn bè lúc hoạn nạn, vậy có thật như thế không?
Tất nhiên, nếu nói "giúp đỡ" theo định nghĩa là Brezhnev cũng phải huy động 60 vạn đại quân đánh vào biên giới Trung Quốc, kéo vào Bắc Kinh kê súng lên đầu Bình lùn bảo "không được động vào em tao" thì quả là không có, Liên Xô không giúp được cái gì thật.
Nhưng những hỗ trợ từ người anh cả Đỏ lại hết sức to lớn về mặt chính trị và ngoại giao.
Ngày 18 tháng 2, Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố lên án Trung Quốc xâm lược Việt Nam: "Việc Trung Quốc tiến công xâm lược Việt Nam chứng tỏ một lần nữa rằng, Bắc Kinh có thái độ vô trách nhiệm biết nhường nào đối với vận mệnh của hoà bình và Ban lãnh đạo Trung Quốc sử dụng vũ khí một cách tùy tiện, đầy tội ác biết nhường nào!... Những hành động xâm lược đó trái với những nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế, càng vạch trần trước toàn thế giới chính sách bành trướng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á". Liên Xô viện dẫn hiệp định ký với Việt Nam, thúc giục Trung Quốc "ngừng trước khi quá muộn" và đòi Trung Quốc rút quân lập tức và toàn bộ. Trong thời gian xảy ra cuộc chiến, Liên Xô đã lên án cuộc tấn công của Trung Quốc là "hành động man rợ bất chấp đạo lý của kẻ cướp", đòi Trung Quốc lập tức chấm dứt "cuộc chiến tranh xâm lược", và cảnh báo Trung Quốc về lòng trung thành của Liên Xô đối với Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Liên Xô - Việt Nam. Ngoài ra, tuy Liên Xô không có hành động can thiệp quân sự nhưng lại hỗ trợ vận chuyển bằng hàng không, triển khai hải quân ngoài bờ biển Việt Nam và tăng cường gửi cố vấn và chuyên gia quân sự sang Việt Nam nhằm tránh đổ vỡ quan hệ vốn đã căng thẳng với Trung Quốc. Quân đoàn 2 được vận chuyển thần tốc ra Bắc cũng nhờ 1 phi đội không quân vận tải Il-76 của Liên Xô, và các chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô dàn hàng ngoài Biển Đông để cảnh cáo tàu chiến Mỹ và Trung Quốc chớ nên can thiệp, bảo vệ đường vận tải biển đến cảng Hải Phòng chở trang bị quân sự viện trợ cho Việt Nam. Liên Xô cũng cảnh báo Trung Quốc về việc đặt các lực lượng vũ trang Xô Viết ở Siberi vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu số 1 đồng thời cung cấp cho Việt Nam các thông tin quân sự thu được từ vệ tinh do thám. Bản thân chính quyền Hà Nội, vốn giữ chiến thuật phòng thủ trong cuộc chiến, cũng từ chối sự tham gia của các phi công Liên Xô vào các trận đánh. Do không tham gia về quân sự, ngày 10 tháng 3, Liên Xô hứa sẽ tăng viện trợ quân sự cho Việt Nam. Tại Hội đồng Bảo an, Liên Xô tuyên bố không ủng hộ bất cứ nghị quyết nào không lên án Trung Quốc và đòi Trung Quốc rút quân. Ngày 23 tháng 2, Liên Xô cùng Tiệp Khắc đưa dự thảo nghị quyết trong đó lên án Trung Quốc xâm lược, đòi Trung Quốc rút quân và bồi thường chiến tranh cho Việt Nam, và kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc.
Để nhấn mạnh lập trường cứng rắn của mình, Liên Xô đã khẳng định kiên quyết: Quân đội và nhân dân Xô Viết sẵn sàng sử dụng các giải pháp cuối cùng để thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình với Việt Nam. Và nói là làm, từ ngày 12 đến 26/3, với mục đích tạo áp lực quân sự lên Trung Quốc, theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, trên tất cả các quân khu vùng biên giới phía Đông, trên lãnh thổ Mông Cổ và trên biển Thái Bình Dương tiến hành cuộc diễn tập hiệp đồng quân binh chủng và diễn tập hải quân có sử dụng đạn thật. Trong cuộc diễn tập lớn nhất lịch sử quân sự có sử dụng lực lượng của 20 sư đoàn binh chủng hợp thành và không quân với 200 nghìn quân nhân, 2.600 xe tăng - thiết giáp, 900 máy bay và 80 chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương. Cuộc diễn tập bắt đầu từ thời điểm động viên lực lượng và đưa các đơn vị thường trực chiến đấu từ thường xuyên lên toàn bộ. Từ lực lượng dự bị động viên điều động 52 nghìn quân nhân dự bị động viên hạng 1, động viên từ các cơ sở thuộc ngành Nông nghiệp hơn 5 nghìn xe ô tô các loại. Kế hoạch diễn tập đã tiến hành tổ chức các cụm chủ lực không quân công kích trên các quân khu gần biên giới Trung Quốc.
Sư đoàn đổ bộ đường không từ Tula được vận chuyển vào khu vực Chita trên quãng đường dài 5.500 km bằng máy bay vận tải quân sự một đợt bay trong thời gian 2 ngày. Các trung đoàn máy bay chiến đấu từ lãnh thổ của Ucraina và Belarussia được cơ động trực tiếp đường không đến các sân bay của Mông cổ (lưu ý, Belarussia và Ukraina là các quân khu tuyến đầu ở tiền tuyến Đông Âu, các đơn vị đồn trú được trang bị mạnh hơn các quân khu nội địa). Trên các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc, gần 50 chiến hạm của Liên Xô, trong đó có 6 tàu ngầm, tiến hành các hoạt động sẵn sàng chiến đấu và đồng loạt triển khai diễn tập các hoạt động tác chiến nhằm tiêu diệt lực lượng hải quân đối phương. Riêng vùng biển Primorie tiến hành diễn tập đổ bộ đường biển.
Trong tiến trình diễn tập, có những khoảng thời gian có tới 10 trung đoàn không quân tuyến 1 (đội hình chiến đấu) hoạt động. Các kíp bay đã bay tổng cộng 5.000 giờ, đã sử dụng tới 1.000 quả bom và tên lửa trong diễn tập bắn đạn thật, trong đó có ít nhất 1 trung đoàn không quân ở Mông Cổ đã đặt trong tình trạng chiến tranh. Những đợt diễn tập lớn nhất được thực hiện tại Mông Cổ, với sự tham gia của 6 sư đoàn Bộ binh cơ giới và tăng-thiết giáp, 3 trong số các đơn vị được điều động từ Siberia và Zabaikalia.
Trong quá trình diễn tập đổ bộ đường không, đã có những chiến sỹ Xô Viết hi sinh. Đó là các chiến sỹ thuộc sư đoàn lính dù tinh nhuệ bậc nhất Liên Xô thời đó: Sư đoàn cận vệ số 106 VDV, từ Tula, đã từng được thử thách khi đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia. Khi diễn tập trên Sa mạc Gobi cách biên giới Mông Cổ - Trung Quốc chỉ vài km. Theo cựu sĩ quan V.G.Domrachev sau này nhớ lại hôm tập trận đổ bộ, gió trên sa mạc Gobi thổi cực mạnh, các cánh tà máy bay rung phần phật như tiếng cánh chim vỗ. Thời tiết đó thì không thể tiến hành đổ bộ được. Nhưng quân lệnh như sơn. Cuộc tập trận đổ bộ vẫn được tiến hành, trong điều kiện thời tiết băng giá, với sức gió lên đến 40m/s, phải đổ bộ trên nền sa mạc cứng như đá, sư đoàn cận vệ 106 đã chịu những tổn thất nặng nề về người. Trong số 108 chiến sĩ tham gia đổ bộ hôm đó, có phân nửa bị thương nặng và hy sinh. Cuộc diễn tập bị ngưng lại ngay lập tức. Đây là một vết đen trong quân sử lực lượng đổ bộ đường không VDV của Liên Xô/Nga
Một bộ phận không quân đảm bảo vận tải trên lãnh thổ Việt Nam. Trong không đầy một tháng, Liên Xô đã tiến hành cơ động 20 nghìn quân của Việt Nam, hơn 1.000 đơn vị trang thiết bị chiến đấu, 20 máy bay quân sự và máy bay trực thăng, hơn 3 nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn dược và cơ sở vật chất phục vụ chiến tranh từ Campuchia trở về miền Bắc Việt Nam. Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc xung đột đến tháng 3/1979, theo đường vận tải biển, Liên Xô đã chuyển đến Việt Nam hơn 400 xe tăng và xe thiết giáp, xe bộ binh cơ giới, 400 khẩu pháo và súng cối, 50 tổ hợp pháo phản lực Grad BM-21, hơn 100 khẩu pháo phòng không, 400 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai và hàng nghìn tên lửa, 800 súng chống tăng RPG-7, 20 máy bay tiêm kích.
Trữ lượng xăng dầu tiêu hao trong thời gian thực hiện các hoạt động diễn tập và giúp đỡ Việt Nam, Bộ quốc phòng Liên Xô đã phải mất hai năm để phục hồi lại dự trữ. Trong báo cáo tổng kết ghi nhận "Quân đội Liên bang Xô viết đã chứng minh được khả năng sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đáp ứng được những yêu cầu tác chiến hiện đại và sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế".
Đó chính là sự giúp đỡ to lớn mà người bạn Liên bang Xô viết dành cho Việt Nam. Nếu như tình hình chiến tranh vượt quá tầm kiểm soát, như Trung Quốc dồn quân đánh xuống Hà Nội, sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc chiếm đóng lâu dài lãnh thổ Việt Nam thì có thể cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ leo thang thành chiến tranh thật. Bản thân Việt Nam cũng không nhờ Liên Xô can thiệp quân sự trực tiếp, bởi truyền thống lịch sử của Việt Nam chưa bao giờ cầu viện bất cứ nước nào giúp đánh đuổi ngoại xâm. Tinh thần tự tôn của Việt Nam là một yếu tố quan trọng khiến Liên Xô không can thiệp quân sự khi cuộc chiến vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát được.
Ở vị thế của Liên Xô đặt trong điều kiện như thế, thì những hỗ trợ của họ dành cho Việt Nam là hết sức tận tình, không thể đòi hỏi hơn được.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này