CÓ NÊN BỎ PHONG TỤC ĐỐT VÀNG MÃ?


Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, phó chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký, đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Công văn đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử – văn hoá tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo.
“Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”, công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ.
Công văn cũng nhấn mạnh, trong các bài giảng tại các tự viện cần chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Phương Đông cho rằng, tục đốt vàng mã vô tội vạ của người Việt đó là sự ngu muội, kệch cỡm, tham lam và chỉ suy nghĩ cho bản thân.
Theo truyền thuyết, tục đốt vàng mã của người Việt bắt nguồn từ một tích truyện của Trung Quốc kể lại rằng, vào đời Hán có đôi vợ chồng là Thái Mạc và Tuệ Nương học nghề làm giấy chưa thạo đã về quê mở xưởng. Giấy làm ra xấu và khó viết chữ nên bị ế không bán được. Tuệ Nương bèn giả chết để thực hiện phương kế bán giấy.
Ngày thứ 3, trước khi đi “chôn” Tuệ Nương, Thái Mạc đem một ôm giấy ra đốt bên cạnh quan tài vợ. Sau khi Thái Mạc đốt giấy xong thì Tuệ Nương ở trong quan tài kêu to gọi chồng, đẩy nắp quan tài bước ra hát rằng: “Trên dương gian đồng tiền có thể làm được mọi việc ở mọi nơi, dưới âm phủ giấy cũng có thể dùng để mua bán. Nếu không phải chồng đốt cho giấy thì ai lại cho tôi quay về dương gian?”
Những người chứng kiến đều tin là đốt giấy thành tiền cho người âm phủ rất có lợi nên ai nấy đều về nhà lấy tiền đến nhà Thái Mạc mua giấy về đốt. Tin lành đồn xa, người các nơi tranh nhau đến nhà Thái Mạc mua giấy. Không đến 2 ngày, bao nhiêu giấy ế của hai vợ chồng Tuệ Nương đã hết sạch.
Tất nhiên, còn có rất nhiều điển tích về nguồn gốc của việc đốt vàng mã nên ta chưa thể kết luận được nó bắt nguồn từ đâu. Chỉ biết rằng, ở Việt Nam tục lệ này đã xuất hiện từ rất lâu vào mỗi dịp Tết đến xuân về, giỗ chạp. 
Xưa kia, người ta chỉ để vài tập giấy nhỏ trên bàn thờ và khi lễ xong thì đốt để tưởng nhớ gia tiên, cung tiến thần thánh. Ngày nay, tục đốt vàng mã có xu hướng ngày càng gia tăng. Không chỉ dừng lại ở việc đốt vài tập giấy bình thường, những người đang sống còn tìm đủ mọi cách để “gửi đồ” cho người âm nhà lầu, xe hơi, ti vi tủ lạnh, đô la… 
Trong giáo lý của nhà Phật cũng chỉ khuyên con người nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ người đã khuất chứ không dạy việc đốt thật nhiều nhà lầu, xe hơi… Vậy nhưng, nhiều người vẫn lao vào đốt vàng mã không còn chỉ là “gửi đồ” cho người đã khuất mà vì muốn cầu xin thần thánh cho bản thân mình trở nên giàu có, sung sướng, hạnh phúc.
Đó là hành vi ngu muội, tham lam và vụ lợi. Họ đã biến tướng một nét văn hóa vô cùng đẹp của người Việt thành lối sống mê tín dị đoan đáng bị lên án. Họ không hiểu rằng, những thứ đem đốt ấy chẳng bao giờ “đủ” cho vong linh như quan niệm “trần sao, âm vậy”. Câu chuyện khởi nguyên của tục đốt vàng mã cũng chỉ là một ít giấy tượng trưng cho tiền mà thôi.
Mỗi năm người Việt tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng cho nhu cầu đốt vàng mã. Theo thống kê, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật “đốt” cho vàng mã lên tới trên 400 tỷ đồng/năm. Việc thiêu đốt như vậy không những lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Bởi vậy, quan niệm của chúng ta thật sự cần phải thay đổi. Thờ phụng quan trọng nhất là phải có một tấm lòng chân thành, hơn nữa bản thân phải biết hướng thiện, không làm điều ác. Đây chính là điều gọi là tâm thành thì linh.
Giáo hội Phật giáo đã có tiếng nói và chủ trương thực hành ngay trong các cơ sở tôn giáo mình. Thiết nghĩ, mỗi chúng ta cũng nên nhận thức được vấn đề và thay đổi hành vi tín ngưỡng của mình. Nó có ích cho gia đình và xã hội.
@CDDT

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này