LUẬT KHOA TẠP CHÍ VÀ CHIẾN DỊCH ĐẢ KÍCH TỰ DO INTERNET Ở VIỆT NAM
Gần đây Luật Khoa tạp chí có đăng tải một bài viết có tựa đề Chính phủ Việt Nam sử dụng tin tặc trong hệ thống phản gián? Của tác giả Quỳnh Vi với nhiều luận điểm cáo buộc chính phủ Việt Nam sử dụng tin tặc để kiểm soát thông tin và giới hạn quyền tự do trên mạng của người dân, doanh nghiệp và kể cả chính phủ nước ngoài. Bài viết của Luật Khoa tạp chí mặc dù không hề đưa ra một bằng chứng xác thực nào nhưng lại được Luật Khoa tạp chí đẩy mạnh trên truyền thông bằng cách quảng cáo trên Facebook (Được tài trợ). Thêm một minh chứng nữa đang cho thấy rằng Luật Khoa tạp chí không hề hoạt động đúng với tôn chỉ hành động của một tạp chí về luật. Đáng lẽ Luật Khoa phải đăng tải các bài viết được củng cố bằng những bằng chứng xác thực thì họ lại đang đăng tải các bài viết chứa đầy những luận điểm thiếu căn cứ, thiếu tính thuyết phục.
Mở đầu bài viết, tác giả Quỳnh Vi đã bám vào các báo cáo của Veloxity, EFF và FireEye. Cả ba tổ chức có trụ sở tại Mỹ này đều đưa ra những cáo buộc ở dạng tình nghi và thiếu bằng chứng về một loạt các hoạt động tấn công mạng của APT32, viết tắt của advanced persistent threat – tấn công liên tục cấp cao, và số 32 được tổ chức FireEye đánh số dựa trên 32 kiểu tấn công khác nhau của các nhóm hacker đối thủ tới từ Nga và Trung Quốc của Hoa Kỳ. Theo đường link chính thức của tổ chức FireEye về APT32 thì tổ chức này chỉ tuyên bố rằng APT32 là một nhóm tin tặc ở Đông Nam Á chuyên tấn công vào các công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Việt Nam. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, Veloxity cũng như Electronic Frontier Foundation, như Luật Khoa đã trích dẫn, lại gán cho rằng APT32 điều phối bởi chính phủ Việt Nam? Liệu chính phủ Việt Nam có quá dại dột khi tự chuốc lấy tai tiếng tấn công các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài? Trong khi chính sách hiện tại của Việt Nam vẫn nhất quán trong suốt thời gian từ khi gia nhập WTO, đó là kêu gọi đầu tư nước ngoài mạnh để giúp phát triển đất nước vốn đã bị tàn phá và bị trì trệ bởi chiến tranh và phong toả kinh tế. Một luận điểm mang đầy tính chất của thuyết âm mưu như vậy mà Luật Khoa tạp chí cũng đăng tải, không những thế còn tài trợ để lan toả bài viết này tới đông đảo độc giả.
Điều này thôi thúc tôi đi tìm động cơ thực sự đằng sau Luật Khoa tạp chí khi lựa chọn đăng tải bài viết kém chất lượng này của tác giả Quỳnh Vi.
ĐỘNG CƠ THỰC SỰ CỦA LUẬT KHOA TẠP CHÍ?
Nếu như độc giả vẫn chưa quên thì vào khoảng tháng 5 năm 2017, hàng loạt các tờ báo quốc tế, cả tiếng Việt và tiếng Anh, đã đăng tải các bài báo về APT32. Thậm chí một trang wikipedia đã nhanh chóng được tạo ra để chính thức hoá thông tin về APT32 như chuyện thật 100% vậy. Trong khi ngay chính tổ chức đã tìm ra và đặt tên cho các hoạt động tin tặc, FireEye, còn không dám khẳng định là APT32 ở Việt Nam thì trang wikipedia chính thức về APT32 đã khẳng định như vậy ngay ở dòng đầu tiên.
Thế nhưng, khi nhìn xuống những đường dẫn liên kết thì chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các đường link này đều dẫn về các trang mạng vốn có tai tiếng là phục vụ cho các hoạt động dân chủ và có mối liên hệ với Việt Tân như: voatiengviet.com, bbc.com, nguoi-viet.com.
Như vậy, có phải đang có một chiến dịch truyền thông nào đó đang nhằm vào một chính sách mới vừa ban hành về Internet của Việt Nam chăng?
Nếu theo dõi các bài viết gần đây của Luật Khoa tạp chí, chúng ta sẽ nhận thấy một loạt bài chỉ trích tự do Internet ở Việt Nam. Ngày 4/11, Luật Khoa đăng bài Gian nan chuyện đặt máy chủ ở TrungQuốc: Google và kiểm duyệt ngôn luận, ngày 20/11 họ lại đăng bài Nhắc PTT Vũ Đức Đam: Anh còn nhớ hay anh đã quên, tới ngày 23/11 Luật Khoa lại đăng bài 20 năm làm luật kiểm soát Internet ở Việt Nam, và rồi tới ngày 5/12 họ lại quyết định lục lên một thuyết âm mưu nữa vốn đã được đẩy lên truyền thông từ hồi tháng 5 năm nay với bài viết Chính phủ Việt Nam sử dụng tin tặc trong hệ thống phản gián? Dường như chưa thuyết phục được độc giả phản đối chính phủ, xuống đường biểu tình đòi quyền này quyền kia thì Luật Khoa chưa dừng lại. Mỗi bài viết sau thì mức độ cáo buộc của Luật Khoa tạp chí đối với chính phủ Việt Nam càng tăng lên nhưng đồng thời thì mức độ thuyết phục của các bài viết lại càng ngày càng giảm đi trông thấy. Đã không còn một Luật Khoa tạp chí những ngày đầu với các bài viết phổ biến kiến thức hấp dẫn, thú vị và bổ ích về luật pháp. Giờ đây, Luật Khoa đã và đang ngày càng trở thành một công cụ truyền thông bị giật dây để đả kích các chính sách của chính phủ Việt Nam. Tôi hi vọng rằng Luật Khoa sẽ có thể có một ngày tìm lại được con đường chính đạo để đi, chứ không lầm đường lạc lối như bây giờ.
Nguồn: Blog Sân đình
Nhận xét
Đăng nhận xét